Tránh lãng phí nguồn nhân lực

415

Để đảm bảo đủ nguồn tuyển, các trường dạy nghề không “bắc nước chờ gạo” mà cần chủ động tổ chức ngày hội tư vấn, hướng nghiệp đến từng địa phương, thậm chí từng trường THCS, THPT để cung cấp thông tin về ngành nghề đào tạo, khả năng tìm kiếm việc làm sau ra trường. Từ đó góp phần thay đổi nhận thức, quan niệm của phụ huynh, học sinh (HS) về phân luồng, hướng nghiệp, tham gia học nghề sớm, tránh lãng phí nguồn nhân lực.

Học sinh đi tham quan, hướng nghiệp tại trường nghề.

Thay đổi tư duy

Trò chuyện với em Nguyễn Xuân Thắng, em cho biết mình không thi vào lớp 10 THPT công lập như nhiều bạn bè đồng trang lứa mà đăng ký học hệ 9+ với ý nghĩ rất thực tế rằng sẽ sớm có việc làm. Em tìm hiểu về cơ hội nghề nghiệp và dựa trên sở trường của bản thân quyết định chọn học nghề Điện tử công nghiệp. Thời khóa biểu học tập của em lúc này là sáng học nghề, chiều học văn hóa theo chương trình giáo dục thường xuyên. Nhờ sự nghiêm túc và chăm chỉ học tập, rèn luyện, Thắng được chọn tham gia kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia và được các thầy cô, chuyên gia tận tâm huấn luyện, chuẩn bị tích cực, chu đáo nên đã giành giải quốc gia. Niềm vui vỡ òa với cậu sinh viên trường nghề khi vượt qua định kiến của nhiều người về việc phải học phổ thông, sau đó học đại học (ĐH) mới là con đường thành công. Hiện Thắng đang học chương trình CĐ liên thông và sau đó có thể học ĐH, tìm công việc phù hợp với kỹ năng đã được đào tạo.

Những HS lựa chọn con đường học nghề sau THCS ngày nay không hiếm nhưng các em vẫn đang phải đối mặt với định kiến của xã hội về bằng cấp. Trong khi phần lớn bạn bè vào trường THPT công lập hoặc tư thục, chỉ một số ít theo học tại các trung tâm giáo dục thường xuyên, trường nghề… khiến nhiều HS e ngại khi được thầy cô tư vấn, hướng nghiệp sang học nghề. Ngay cả các bậc phụ huynh cũng vì lo lắng cho tương lai con cái vất vả, suy nghĩ học nghề sau này sẽ chỉ làm thợ, lương thấp, cơ hội thăng tiến ít… nên dù biết học lực của con yếu nhưng vẫn cố gắng chạy đôn, chạy đáo tìm trường phổ thông cho con học.

Ông Nguyễn Quang Hiển – Phó Hiệu trưởng Trường THCS Sơn Đà (huyện Ba Vì, Hà Nội) cho biết, những năm qua nhà trường đã tích cực phối hợp với các trường trung cấp, CĐ trên địa bàn để tuyên truyền đến phụ huynh, HS các chương trình đào tạo nghề, các cơ hội học tập, việc làm sau khi tốt nghiệp. Đồng thời cũng tuyên truyền đến phụ huynh những lợi thế khi học nghề. Tuy nhiên, do điểm chuẩn vào trường THPT trên địa bàn thấp nên cơ hội để học tiếp bậc phổ thông rất rộng mở. Trong khi đó nhiều gia đình vẫn chưa hiểu và đồng thuận trong việc cho con đi học nghề nên công tác phân luồng HS vẫn gặp khó khăn.

Đây cũng là tâm tư của em Trần Văn Mạnh (học sinh lớp 9, Trường THCS Xuân Đỉnh, Hà Nội). Mạnh học khá môn Toán, Lý, Hóa nhưng lại rất “sợ” môn Ngữ văn và Ngoại ngữ, hai môn bắt buộc sẽ có trong kỳ thi vào lớp 10 THPT công lập hàng năm. Khi em trình bày nguyện vọng với bố mẹ về việc muốn đăng ký học trường nghề, cụ thể là nghề điện công nghiệp sau khi tốt nghiệp THCS đã không nhận được sự đồng tình. Lý do là vì em vẫn còn trẻ, cứ học văn hóa trước cho tốt rồi sau đó hãy nghĩ đến việc học nghề, kiếm tiền. Dù giải thích rằng vào trường nghề vẫn học văn hóa, vẫn tốt nghiệp, có bằng cấp 3 như các bạn khác, nhưng bố mẹ Mạnh vẫn lo lắng khi học song song cả nghề, cả kiến thức văn hóa em sẽ không kham nổi. Nhất là khi việc đào tạo hai nội dung này sẽ do 2 trường khác nhau thực hiện, học ở 2 nơi khác nhau.

Vướng mắc về học văn hóa trong trường nghề cũng chính là băn khoăn của nhiều HS, phụ huynh khi muốn đăng ký học nghề sau THCS bởi nếu chỉ học 4 môn văn hóa trong trường nghề, sau này cơ hội liên thông lên bậc ĐH hoặc cao hơn sẽ khó.

Quan trọng là xác định đúng mục tiêu nghề nghiệp

Từ góc độ một nhà giáo, PGS. TS Trần Xuân Nhĩ – nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, khi các trường THPT công lập có điểm trúng tuyển vào lớp 10 chỉ từ 3-4 điểm/môn, thậm chí có trường năm 2021 lấy 0,58 điểm/môn thì sẽ khó cho cả thầy và trò khi dạy học. Bởi chương trình lớp 10 THPT hiện hành nhìn chung khó đối với nhiều HS.

Mặc dù từ năm học 2022-2023, HS được lựa chọn môn học theo định hướng nghề nghiệp nhưng với các môn bắt buộc như Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ là môn học cơ bản, xuất hiện trong kỳ thi vào lớp 10 THPT công lập của nhiều địa phương mà các em có điểm thi thấp như vậy thì không dễ để thay đổi khi lên bậc THPT nếu không có quyết tâm và nỗ lực vượt bậc.

Vì vậy, hướng đi học nghề sau THCS, THPT nên được phụ huynh và HS những gia đình này cân nhắc để đảm bảo sự phù hợp với năng lực của chính HS thay vì cố gắng chạy đua theo bằng cấp dẫn đến lãng phí thời gian, công sức và cả tiền bạc.

Nguồn : Thu Hương

//gdnn.gov.vn/AIAdmin/News/View/tabid/66/newsid/39444/seo/Bat-cap-khi-thich-lam-thay-khong-lam-tho–Bai-3-Lang-phi-nguon-nhan-luc/Default.aspx