Thực hư thông tin “học trường nghề không được dự thi tốt nghiệp THPT”

936

Thông tin về người tham gia đào tạo nghề không được dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT gây lo lắng cho các bậc phụ huynh và bạn trẻ tại Nghệ An. Vậy thực hư vấn đề này ra sao?

Thông báo tuyển sinh của một trường THPT với thông tin "học trường nghề chỉ được học nghề, không được dự thi tốt nghiệp THPT" làm nhiều học sinh và phụ huynh hoang mang.

Lo lắng vì mất cơ hội thi tốt nghiệp THPT

Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT vừa rồi, cậu con trai của chị Hoàng Thị Hương (trú huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) không đủ điểm vào học trường công lập trên địa bàn.

Chị Hương dự định sẽ cho con theo học một trường nghề vì đã được tư vấn ngoài học nghề, cháu sẽ được học văn hóa. Khi kết thúc chương trình sẽ có bằng tốt nghiệp cấp 3 và bằng trung cấp nghề. Quan trọng hơn, suốt quá trình học chị không phải đóng học phí cho con.

Tuy nhiên trong quá trình đi làm hồ sơ tuyển sinh giúp con, chị Hương nghe nói “học trường nghề sẽ không được tham gia thi tốt nghiệp THPT”, nên hết sức hoang mang.

Theo phản ánh của chị Hương, thông tin trên chị nắm được qua thông báo tuyển sinh của một trường THPT. Trong thông báo của trường này ghi rõ “… kể từ năm học này, Sở GD&ĐT Nghệ An quyết định nếu các em vào trường nghề thì chỉ được học nghề mà không được dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT”.

Lễ khai giảng tại Trường trung cấp KT-KT TP Vinh (Nghệ An). Năm học vừa qua tỉ lệ đậu tốt nghiệp THPT của số học sinh đang học tại trường đạt 97%.

“Nếu học mà chỉ được cấp bằng nghề, không có bằng cấp 3 thì tôi phải cân nhắc tìm phương án khác”, chị Hương băn khoăn.

Không có sự hạn chế

Trước thông tin đăng tải trong thông báo tuyển sinh này, PV Dân trí đã liên hệ với ông Nguyễn Trọng Hoàn – Chánh VP Sở GD&ĐT Nghệ An. “Không có chuyện Sở GD&ĐT Nghệ An ra quyết định: Nếu các em vào trường nghề thì chỉ được học nghề mà không được dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT", ông Hoàn khẳng định.

Trong thời gian qua, mô hình 9+ cho phép học sinh tốt nghiệp THCS được học nghề kết hợp học văn hóa, đủ điều kiện sẽ liên thông lên các trình độ cao hơn được nhiều sơ sở dạy nghề trong cả nước triển khai thực hiện.

Một giờ học của lớp trung cấp nghề điện tại Trường trung cấp KT-KT Hồng Lam (TP Vinh, Nghệ An).

Ông Nguyễn Khắc An – Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kinh tế – Kỹ thuật Vinh cho biết: Những năm gần đây, bên cạnh tuyển sinh học viên có nhu cầu học nghề, nhà trường cũng đồng thời phối hợp với Trung tâm Giáo dục thường xuyên thành phố tổ chức dạy văn hóa cho các em học sinh có nhu cầu.

Song song với việc đào tạo nghề, các em được học 7 môn văn hóa. Các chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm đều được Sở GD&ĐT phê duyệt theo đúng quy định, đương nhiên các em được tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT khi kết thúc chương trình học lớp 12.

“Kỳ thi quốc gia vừa qua, tỉ lệ đậu tốt nghiệp THPT của số học sinh đang học tại trường của chúng tôi lên đến 97%. Điều đó chứng tỏ việc phối hợp với Trung tâm GDTX giảng dạy văn hóa trong trường nghề rất nghiêm túc và đảm bảo yêu cầu.

Việc vừa học nghề vừa học văn hóa và được cấp bằng tốt nghiệp THPT cho học sinh các trường nghề theo tôi là một chính sách nhân văn, phù hợp với chủ trương phân luồng sau trung học cơ sở của Bộ GD&ĐT và công tác đào tạo nghề, nâng cao chất lượng lao động mà Bộ LĐ-TB&XH đang triển khai”, ông Nguyễn Khắc An nhấn mạnh.

Ngày 7/3/2019, Bộ LĐ-TB&XH ban hành Thông tư số 07/2019/TT-BLĐTBXH, trong đó chỉ rõ "…học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở nhưng có nguyện vọng học liên thông lên trình độ cao đẳng phải học và thi đạt yêu cầu các môn văn hóa trung học phổ thông theo quy định của Bộ GD&ĐT và có bằng tốt nghiệp trình độ trung cấp".

Nguồn: dantri.com.vn