TS Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, bày tỏ sự lạc quan vào tỷ lệ việc làm và bức tranh giáo dục nghề nghiệp trong 10 năm tới, với sự phát triển của thị trường lao động và sự hỗ trợ, vào cuộc của cả xã hội.
Các nước trên thế giới xem đào tạo giáo dục nghề nghiệp là chiến lược phát triển kinh tế toàn diện và đều đưa ra con đường phát triển giáo dục nghề nghiệp dài hạn. Việt Nam đã đưa vấn đề giáo dục nghề nghiệp vào luật, các chính sách phát triển dài hạn và đang học tập những ưu điểm từ mô hình các nước tiên tiến.
Do đó, tương lai về bức tranh giáo dục nghiệp là hoàn toàn khả quan, dù còn một vài điểm bất cập trong cách đào tạo trong nhà trường.
Bức tranh giáo dục nghề nghiệp 10 năm tới sẽ sáng hơn.
– Dạy nghề đang đi theo xu hướng tất yếu của thế giới. Ở Việt Nam, xu hướng này được thực hiện như thế nào, thưa ông?
– Phát triển giáo dục nghề nghiệp và kỹ năng nghề là vấn đề toàn cầu, thế giới rất quan tâm. Đặc biệt, các diễn đàn ở toàn cầu, khu vực và kể cả ở Việt Nam đã bàn nhiều về nội dung này.
Giáo dục nghề nghiệp không chỉ là vấn đề về giáo dục đơn thuần. Nó không chỉ trang bị cho người học kiến thức, kỹ năng, thái độ để làm việc, mà đằng sau đó là vấn đề kinh tế.
Chính vì vậy, nhiều nước trên thế giới, người ta xếp phát triển kỹ năng, giáo dục nghề nghiệp vào trụ cột kinh tế, chứ không đơn thuần là giáo dục. Nó tác động đến năng suất lao động, năng lực cạnh tranh của quốc gia.
UNESCO từng có chiến lược về phát triển giáo dục nghề nghiệp trong vòng 10 năm. Nhiều nước đã có chiến lược phát triển kỹ năng hoặc chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp.
Gần đây nhất, các nhóm nước G20 bàn về thương mại điện tử, người ta cũng bàn đến phát triển kỹ năng số, giáo dục nghề nghiệp làm sao để tích hợp giáo dục nghề nghiệp với thương mại điện tử, thương mại số.
Việt Nam cũng có chiến lược phát triển dạy nghề cách đây gần 10 năm. Hiện nay, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo phải tập trung xây dựng chiến lược giáo dục nghề nghiệp cho 10 năm tiếp theo. Chúng tôi đang tập trung điều này.
Bắt theo xu thế của thế giới, chúng ta đang trong quá trình chuyển đổi giáo dục nghề nghiệp từ hệ thống trước đây, chủ yếu đào tạo theo những gì mình có ở trường lớp, chuyển sang hệ thống đào tạo mở và linh hoạt.
Chúng ta hướng nhiều hơn đến việc đào tạo bổ sung kỹ năng, đào tạo lại lực lượng lao động đang làm việc chứ không chỉ đào tạo nghề ban đầu cho người học sau tốt nghiệp THPT, THCS.
– Ông nhận định bức tranh giáo dục nghề nghiệp 10 năm tới sẽ có những điểm sáng khác biệt như thế nào so với hiện tại?
– Tôi tin chắc chắn là sẽ sáng hơn vì nằm trong quy luật phát triển. Nhưng hơn nhiều hay ít còn phụ thuộc hành động, khi quan điểm, chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước đã khá rõ ràng.
Ví dụ, chúng ta có Luật Giáo dục Nghề nghiệp, trong đó điều 6 nói rất rõ chính sách của Nhà nước về phát triển giáo dục nghề nghiệp. Mới đây là dự thảo văn kiện đại hội XIII, có cả một đoạn định hướng về phát triển giáo dục nghề nghiệp, đổi mới nâng cao chất lượng, tập trung đào tạo lại lực lượng lao động.
Tôi nghĩ rằng làm thế nào để trước hết hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp phải ổn định theo Luật Giáo dục mới, và Luật Giáo dục Nghề nghiệp (an cư mới lạc nghiệp) và tập trung nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý để đáp ứng yêu cầu phát triển.
– Tư duy của nhiều người Việt rất coi trọng bằng cấp, nhưng điều này cũng đang dần thay đổi. Hiện nay, tỷ lệ học sinh, sinh viên chọn giáo dục nghề nghiệp tăng lên, các em không còn xem đại học là con đường duy nhất. Những việc đã triển khai tốt thời gian qua đã tác động, thay đổi tư duy này như thế nào?
– Thứ nhất, hệ thống chính sách pháp luật của chúng ta rõ ràng, mạch lạc. Trước đây, phần giáo dục nghề nghiệp nằm rải rác ở luật khác nhau, các cơ quan quản lý Nhà nước khác nhau. Bây giờ, Luật Giáo dục Nghề nghiệp và vừa rồi là Luật Giáo dục đề cập giáo dục nghề nghiệp rất rõ ràng. Chúng ta đã ban hành hệ thống pháp lý đồng bộ để triển khai.
Thứ hai là chính sách thu hút, phải có chính sách thu hút để người học tham gia. Trong đó, chúng ta đã có quy định kể cả thu hút học sinh THCS, THPT vào giáo dục nghề nghiệp, miễn học phí cho học sinh tốt nghiệp THCS học trung cấp (nhiều địa phương miễn cả phần học phí học văn hoá cho các em).
Chính sách thu hút người lao động trong doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo, đào tạo lại, nâng cao kỹ năng tay nghề, thích ứng yêu cầu đổi mới khoa học công nghệ, đổi mới trong sản xuất, cũng là chính sách hết sức quan trọng. Chúng ta có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia việc này, chính sách hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp…
Thứ ba là môi trường học tập. Môi trường đảm bảo chất lượng đào tạo nghề được quan tâm đầu tư và có những đổi mới về chương trình, giáo trình, cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ nhà giáo.
Một yếu tố hết sức quan trọng là cơ hội việc làm và thu nhập sau đào tạo. Nó sẽ quyết định việc thu hút học sinh. Đánh giá chung, 85% học sinh tốt nghiệp giáo dục nghề nghiệp có việc làm. Ngay trong bối cảnh dịch bệnh, sản xuất nhiều nơi bị đình trệ, học sinh tốt nghiệp ở một số ngành nghề không đủ cung ứng.
Những ngành nghề liên quan tự động hóa và cơ điện tử không có đủ học sinh để cung cấp cho doanh nghiệp. Cơ hội việc làm như thế là rất rõ. Về thu nhập, những nghề bình quân là 6-7 triệu đồng, rất nhiều ngành nghề 10-12 triệu, rõ ràng tạo nên sức hút.
Cơ hội hết sức quan trọng nữa là học tiếp lên sau quyết định 18 năm 2017 của Thủ tướng cho liên thông. Các em học xong, nếu có nhu cầu, điều kiện, năng lực, có thể học liên thông trình độ cao hơn.
Điều cuối cùng tôi nghĩ là tôn vinh, trọng thị của xã hội đối với người học nghề, đặc biệt người có tay nghề, kỹ năng xuất sắc. Rất may vừa rồi, sau nhiều thời gian thảo luận, chúng tôi có đề xuất và Thủ tướng đã ban hành chỉ thị 24. Trong đó, lần đầu tiên chúng ta có ngày “Kỹ năng lao động Việt Nam”.
Chúng ta có giải thưởng cho những người lao động sở hữu kỹ năng xuất sắc để tôn vinh họ, lan tỏa những giá trị của người có tay nghề giỏi. Chúng ta có danh hiệu đại sứ nghề. Nhiều nước đã làm lâu rồi, lần này, chúng ta quyết tâm thực hiện để tôn vinh, thể hiện sự trọng thị của xã hội đối với những người có kỹ năng, tay nghề cao.
– Việc kết nối doanh nghiệp với trường đào tạo dạy nghề ở nhiều nơi rất hiệu quả, nhưng có những trường chưa được như mong muốn. Ông có trăn trở gì với lĩnh vực hợp tác đào tạo nghề?
– Cái gì cũng có nguyên nhân của nó, trong đó có yếu tố lịch sử. Một thời gian dài, chúng ta đào tạo theo cách truyền thống, dựa trên những cái mình có, đào tạo theo chỉ tiêu được cấp hàng năm, theo kế hoạch.
Bây giờ, chúng ta chuyển đổi sang cơ chế thị trường, nhu cầu doanh nghiệp, thì phải có lộ trình và thời kỳ quá độ. Những năm vừa qua, chúng ta làm tích cực vấn đề này.
Lãnh đạo các trường nghề phải có tư duy kinh tế thị trường. Nếu chỉ có tư duy và kiến thức thuần túy là giáo dục mà không gắn kinh tế thị trường, rất dễ bị lạc hậu. Khi có tư duy thị trường, chúng ta phải tổ chức, thiết kế chương trình đào tạo gắn kết với nhu cầu đa dạng của doanh nghiệp, thị trường lao động.
Yếu tố thứ hai, quan trọng nhất là kỹ năng. Kỹ năng ở đây phải của hai phía. Một là từ nhà trường, thầy cô giáo phải trang bị kỹ năng để kết nối doanh nghiệp. Điều đó không phải ngày một ngày hai mà làm được.
Chúng tôi đã tham khảo bộ tiêu chuẩn về người dạy nghề trong doanh nghiệp mà Bộ trưởng Bộ Lao động, Bộ trưởng Giáo dục các nước ASEAN đã thống nhất để áp dụng tại Việt Nam. Dự kiến, tháng tới, chúng tôi ban hành chương trình này.
Yếu tố nữa là từ phía doanh nghiệp. Khi chúng ta kết nối, doanh nghiệp là nhà trường thứ hai. Nhưng không phải cán bộ kỹ thuật nào trong doanh nghiệp cũng có thể dạy học. Do đó, chúng ta phải trang bị cho họ kiến thức về sư phạm để họ có thể truyền tải những kỹ năng, kiến thức, kinh nghiệm mình có cho người học.
– Thời gian qua, dịch Covid-19 ảnh hưởng toàn xã hội. Những trường cam kết đào tạo sinh viên có việc làm ngay sau khi ra trường hiện có gặp khó khăn không, thưa ông?
– Dịch Covid-19 ảnh hưởng mọi mặt của đời sống và nền kinh tế, rõ ràng nhất là thị trường lao động. Thị trường lao động là đầu ra của hệ thống giáo dục nghề nghiệp nên chúng tôi cũng bị ảnh hưởng.
Khi sản xuất đình trệ, các trường nghề cũng bị ảnh hưởng nhiều. Tuy nhiên, giáo dục nghề nghiệp có đặc thù để khắc phục khó khăn này. Đơn cử như công tác tuyển sinh và khai giảng, các trường tuyển sinh quanh năm, chứ không chỉ một đợt vào tháng 9. Đủ học sinh, trường sẽ mở lớp. Chính vì đào tạo theo hình thức cuốn chiếu liên tục như vậy, vấn đề tuyển sinh cũng bị ảnh hưởng nhưng không quá căng thẳng.
Hơn nữa, Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp cũng báo cáo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội có văn bản chỉ đạo việc đẩy mạnh hình thức tuyển sinh và đào tạo trực tuyến. Đây không chỉ là giải pháp tình thế trong bối cảnh dịch bệnh, mà sẽ thành xu thế.
Chúng ta sẽ đẩy mạnh việc chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp. Xây dựng tài nguyên giáo dục mở để giáo dục nghề nghiệp thực sự linh hoạt. Đây là xu thế của thế giới và Việt Nam cũng nên theo xu thế này.
Mặt khác, chúng tôi nỗ lực gắn kết với doanh nghiệp nhiều hơn. Theo chỉ đạo của bộ, chúng tôi đã có tổ công tác gắn kết giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp, thời gian vừa rồi đã ký kết nhiều chương trình hợp tác với doanh nghiệp ở cấp trung ương, địa phương và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
– Một số ngành đang thiếu nhân lực trong điều kiện sau dịch bệnh, ông có thể chia sẻ thêm về các ngành nghề này?
– Khi dịch bệnh xảy ra, chúng ta cách ly, giãn cách xã hội. Hệ thống sản xuất đều bị đình trệ. Chúng ta mở cửa trở lại, sản xuất phục hồi, tất cả ngành đều cần nhân lực.
Trong khuyến cáo các quốc gia và doanh nghiệp, ILO khuyên các doanh nghiệp phải rất thận trọng việc sa thải nhân viên, khi dịch bệnh xảy ra. Việc sa thải rồi tuyển dụng lại là không hề đơn giản.
Tùy thuộc thị trường, từng khu vực ngành nghề có những nhu cầu riêng. Vừa qua, rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã khảo sát để tuyển dụng nhân lực các ngành tự động hóa, cơ điện tử, các ngành liên quan cơ khí, công nghiệp phụ trợ hay logistic.
Những ngành liên quan công nghệ 4.0 cũng đang rất thiếu nhân lực có kỹ năng nghề. Mặc dù du lịch bị đình trệ, ngành này cũng thiếu nhân lực có kỹ năng, được đào tạo bài bản, để tham gia các khâu trong chuỗi du lịch. Công nghệ thông tin cũng đang thiếu nhân lực có kỹ năng nghề.
Chúng ta cứ nghĩ thị trường thiếu nhân lực trình độ cao nhưng không phải. Ở trình độ công nghệ sản xuất của hầu hết doanh nghiệp Việt Nam, chúng ta rất thiếu nhân lực có tay nghề ở nhiều trình độ khác nhau.
Các hiệp hội doanh nghiệp công nghệ thông tin rằng chúng ta thiếu công nhân có tay nghề cao để làm những phần mềm, tham gia công đoạn trong chuỗi sản xuất những sản phẩm công nghệ thông tin.
Đào tạo lao động có những điểm bất hợp lý
– Những điều ông nói trên có mâu thuẫn với việc thông tin nhiều sinh viên ra trường thất nghiệp?
– Thị trường lao động trên thế giới cũng có những vấn đề bất hợp lý. Một mặt, thị trường thiếu hụt nhân lực có kỹ năng tay nghề phù hợp. Phù hợp ở đây là được đào tạo, tuyển dụng và sử dụng đúng năng lực được đào tạo. Nhưng bên cạnh đó cũng có những lao động bị dư thừa kỹ năng, vì vị trí việc làm, thị trường lao động không cần người trình độ cao như thế.
Một số cử nhân không hoàn toàn thất nghiệp, họ vẫn đi làm những ngành nghề, công việc nhưng phần lớn không phù hợp năng lực và chuyên môn được đào tạo, dẫn đến lãng phí. Sự lãng phí ấy lại có xu hướng tăng cao.
Nếu năm 2012 có 15% lao động có trình độ ĐH trở lên làm nghề có chuyên môn kỹ thuật bậc trung trở xuống, thì gần đây, tỷ lệ này tăng lên đến 23%. Điều này vừa là bất hợp lý trong cơ cấu nhân lực vừa gây lãng phí trong đào tạo nhân lực, nếu chúng ta không có điều chỉnh.
– Như vậy lại quay về vấn đề giảng dạy trong nhà trường thế nào cho phù hợp, sát thực tiễn?
– Khung chương trình đào tạo quốc gia là 8 bậc. Bậc 1-3 là sơ cấp, bậc 4 trung cấp, bậc 5 cao đẳng, bậc 6 đại học, bậc 7 thạc sĩ, bậc 8 tiến sĩ. Mỗi trình độ có sứ mệnh riêng. Không thể nói bậc này tốt hơn bậc kia được nhưng đối với khối giáo dục nghề nghiệp thì từ bậc 1-5 chủ yếu trang bị cho học sinh kiến thức cơ bản, kỹ năng thực hành, thái độ làm việc tiếp cận theo hướng thực hành là chính.
Thứ hai là chính sách của mỗi quốc gia. Đào tạo nghề bị ảnh hưởng bởi thị trường lao động và chính sách, chỉ đạo của Nhà nước. Thế giới có nhiều thời kỳ, chu kỳ khác nhau về cơ cấu nhân lực, đào tạo nhân lực. Ví dụ, có những nước ở giai đoạn chậm phát triển, chỉ tập trung giáo dục phổ thông, ưu tiên giáo dục nghề nghiệp sau đó mới tính đến giáo dục đại học.
Những nước đang phát triển, giáo dục nghề nghiệp phải ưu tiên trước rồi đến phổ thông, giáo dục đại học. Các nước phát triển thì lại ưu tiên theo thứ tự giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp rồi đến giáo dục phổ thông.
Mỗi quốc gia có điều kiện phát triển nhất định, tùy từng thời điểm. Nước ta hiện nay thiếu cả thầy lẫn thợ nhưng vẫn chú trọng chất lượng và hiệu quả đào tạo, để tránh tình trạng đào tạo ra trình độ cao mà làm công việc trình độ thấp, gây lãng phí.
– Ông cho rằng Việt Nam sẽ phù hợp những mô hình đào tạo nghề nghiệp của quốc gia nào?
– Có rất nhiều bài học về phát triển giáo dục nghề nghiệp trên thế giới. Các chuyên gia tư vấn cho Việt Nam có thể tham khảo mô hình như Đức. Họ có mô hình đào tạo song hành, đào tạo kép rất nổi tiếng trên thế giới. Một phần lý thuyết được đào tạo ở nhà trường, phần thực hành dạy ở doanh nghiệp.
Mô hình này rất rõ ràng, hiệu quả vì nó gắn với thực tế vị trí việc làm, cũng như nhu cầu việc làm trong doanh nghiệp. Nhưng không phải quốc gia nào cũng làm được. Thủ tướng đang chỉ đạo chúng tôi nghiên cứu mô hình của Đức.
Quốc gia tiếp theo là Hàn Quốc – không có nhiều tài nguyên, chủ yếu dựa vào nguồn nhân lực. Họ đã có thời gian nghiên cứu học tập mô hình của Đức rất thành công. Hệ thống giáo dục nghề nghiệp của họ có những thời kỳ phát triển rất mạnh. Nhật Bản cũng vậy.
Có lẽ trên thế giới, hai nước này phổ biến hệ thống đánh giá kỹ năng. Mỗi năm đánh giá và cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia cho hàng triệu người. Nhiều vị trí công việc tham gia thị trường lao động đều phải có bằng cấp chứng chỉ.
Một số chuyên gia lại khuyên chúng ta nên học mô hình gần nhất là Singapore. Mặc dù diện tích đất nước nhỏ, dân số ít, giáo dục nghề nghiệp được thiết kế phát triển lâu dài. Nước này có hệ thống phát triển giáo dục nghề nghiệp đẳng cấp thế giới nhưng bù lại phải đầu tư rất lớn. Một trung tâm đào tạo đầu tư hàng trăm triệu USD.
Nhưng có những đặc thù mà nước ta không thể học tập trọn vẹn được. Do đó, chúng ta học tập, áp dụng linh động những điểm hay của mô hình các nước tiên tiến để phù hợp điều kiện và hoàn cảnh của đất nước
Trước mắt không thể xóa bỏ ngay hệ thống đào tạo truyền thống. Chúng ta cải tạo hệ thống hiện nay, hướng đến doanh nghiệp, thị trường nhiều hơn. Về lâu dài phải chuyển sang mô hình hiệu quả nhất là mô hình đào tạo cùng với doanh nghiệp.
– Để đảm bảo chất lượng dạy nghề trong thời 4.0, ngoài việc đáp ứng cơ sở vật chất, chương trình đào tạo, giảng viên, theo ông, còn cần yếu tố nào?
– Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ dẫn đến vấn đề tất yếu là thị trường lao động, thế giới việc làm 4.0 và giáo dục nghề nghiệp phải đi theo 4.0, trong đó kỹ năng số hết sức quan trọng. Kỹ năng này không thể học được trong ngày một ngày hai. Trước hết, nó phải được tích hợp trong các yêu cầu về chương trình, tài liệu đào tạo, cơ sở vật chất, trang thiết bị, chuẩn đầu ra.
Nhưng quan trọng nhất là kỹ năng giảng dạy của giáo viên. Khi nói đến 4.0, cách đây 5 năm, liên minh châu Âu, điển hình là Đức, đã xây dựng và ban hành khung năng lực về công nghệ thông tin cho người dạy, trong đó đặt nặng vấn đề về kỹ năng số.
Việt Nam cần phải tập trung số hóa tài liệu, tập trung phương pháp giảng dạy trực tuyến. Không thể nói học trực tuyến hôm nay là ngày mai có được. Người thầy phải có phương pháp, người học cũng thế. Không phải ai cũng có kỹ năng học trực tuyến, mặc dù có thiết bị, công cụ.
Điều thứ hai hết sức quan trọng là phải gắn với các doanh nghiệp công nghệ cao. Phải nghiên cứu chuẩn bị sớm, dự báo kỹ năng trong tương lai. Chúng ta không biết kỹ năng tương lai của 5 năm, 10 năm tới là gì thì rất khó.
Khi chúng tôi nghiên cứu kết quả khảo sát về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm ngoái, trên 50% doanh nghiệp không dự báo được nhu cầu kỹ năng tương lai của mình là gì, thì không thể đưa ra yêu cầu đào tạo được.
Chính vì vậy, chúng ta đang tham gia tích cực vào các kỳ thi tay nghề trong khu vực và thế giới ở đó có những kỹ năng tương lai mà chúng ta cần phải học hỏi, nghiên cứu, thử nghiệm để phát triển chương trình.
Nguồn: zingnew.vn