Giáo dục nghề nghiệp vì sự phát triển bền vững

1859

Khi các quốc gia đẩy mạnh những nỗ lực của mình để đạt được 17 mục tiêu phát triển bền vững, một nhu cầu cấp thiết đặt ra là phát triển kiến thức, kĩ năng và năng lực để đáp ứng nhu cầu xã hội và sự chuyên môn hóa, đồng thời nắm bắt các cơ hội việc làm và học tập suốt đời để phục vụ cho sự chuyển đổi bền vững hơn của kinh tế và xã hội.

Một báo cáo gần đây của ILO đã nhấn mạnh vai trò của nền kinh tế xanh trong việc xóa đói giảm nghèo và cải thiện sinh kế cho hàng triệu người. Ước tính những tổn thất đối với các công việc tiềm năng có thể được bù đắp bằng cách tạo ra 24 triệu việc làm mới thông qua các chính sách và cơ hội phát triển kỹ năng một cách phù hợp.

Ảnh minh họa

Sự chuyển đổi sang xã hội và nền kinh tế xanh phụ thuộc vào các chính sách, đầu tư, công nghệ, việc làm, sự tham gia và vào cuộc của lực lượng lao động. Giáo dục và đào tạo là mấu chốt kết nối các các yếu tố này với nhau. Giáo dục và đào tạo hiệu quả để phát triển bền vững các trụ cột về quản trị và tầm nhìn cũng như khả năng trao quyền cho mọi người để hành động vì sự phát triển bền vững. Nó cũng dựa vào khả năng đào tạo, nâng cao trình độ kỹ năng, đào tạo lại và việc trao quyền cho những người có thể tận dụng các điều kiện thuận lợi để phát triển công việc và tạo việc làm tiềm năng trong một nền kinh tế thay đổi.

Để đảm bảo phát triển giáo dục nghề nghiệp vì phát triển bền vững, vấn đề tạo việc làm và kỹ năng khởi sự cho thanh niên, xanh hóa giáo dục nghề nghiệp và bình đẳng giới trong giáo dục là các vấn đề ưu tiên trong kế hoạch phát triển giáo dục nghề nghiệp của các nước.

Việc làm cho thanh niên và tinh thần khởi sự doanh nghiệp

Đến năm 2030, dân số toàn cầu dự kiến sẽ đạt khoảng 8,6 tỷ người, trong đó số lượng thanh niên sẽ tăng lên hơn 1,3 tỷ người. Thất nghiệp tràn lan, thiếu việc làm và quá trình chuyển tiếp từ trường học ra thị trường lao động dài hơn là một trong những thách thức lớn nhất trước sự gia tăng của dân số trẻ. Những thách thức này là hệ quả của tình trạng thiếu cơ hội nghề nghiệp phù hợp cho những người trẻ tuổi và sự mất cân bằng kỹ năng ngày càng gia tăng, nói cách khác chính là sự thiếu hụt các kỹ năng cần thiết và sự dư thừa các kỹ năng đã được đào tạo nhưng không phù hợp với yêu cầu của thị trường lao động.

Để đáp ứng với nhu cầu phát triển kỹ năng, hệ thống giáo dục nghề nghiệp các nước đang đầu tư vào một lộ trình học tập mới, thiết lập các sáng kiến, các chương trình đổi mới và phát triển những mối quan hệ đối tác mới. Các chương trình phát triển kỹ năng ngoài việc đảm bảo phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động còn cần phải phát triển các kỹ năng, năng lực xuyên suốt cho phép những người trẻ tuổi có thể đáp ứng trước sự thay đổi của ngành, nghề.

Theo ước tính của Tổ chức lao động quốc tế (2020), có 267 triệu người trẻ tuổi (từ 15-24 tuổi) không có việc làm, thiếu kỹ năng và các điều kiện làm việc không đáp ứng tiêu chuẩn. Trước những thay đổi của công nghệ và môi trường, vấn đề tạo việc làm và cơ hội lập nghiệp thực sự là một thách thức không hề nhỏ. Tuy nhiên, khi các kỹ năng được đào tạo cho thanh niên không có sự thay đổi và phát triển để phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động, vấn đề tạo việc làm sẽ không mang lại hiệu quả.

Hiện nay, hệ thống GDNN của các nước trên thế giới đang trong quá trình cải tổ, đổi mới để có thể đáp ứng tốt hơn với những thách thức hiện tại và trong tương lai. Sự chuyển đổi này mặc dù khác nhau giữa các khu vực và phụ thuộc vào trình độ phát triển của từng quốc gia song đều bao gồm sự chuyển đổi từ việc phát triển các kỹ năng cần thiết cơ bản để tìm kiếm việc làm sang việc phát triển các kỹ năng chuyển đổi và mở rộng cho phép sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể tiếp cận các cơ hội học tập nâng cao, học tập suốt đời. Khi nhu cầu chuyển đổi kỹ năng tiếp tục phát triển, GDNN sẽ cung cấp một lộ trình cho những người trẻ tuổi nhằm phát triển năng lực của họ để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của thị trường lao động.

Xanh hóa GDNN theo hướng chuyển đổi hành động

GDNN đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang một nền kinh tế carbon thấp và một xã hội bền vững, nâng cao khả năng thích ứng trước biến đổi khí hậu. Điều này được thực hiện thông qua vai trò truyền thống của GDNN trong việc chuẩn bị cho người học các lĩnh vực nghề nghiệp và tăng cường sự tham gia của họ vào thế giới việc làm. Vai trò truyền thống này đang đối mặt với những kỳ vọng mới, đòi hỏi sự thích nghi và phù hợp hơn với việc làm xanh. Trên cơ sở đó, yêu cầu xanh hóa GDNN được đặt ra.  Xanh hóa GDNN giúp thúc đẩy các hành động có ý thức hơn với môi trường. Một người công nhân “xanh” là một người công nhân có nhiều kỹ năng làm việc hơn, lực lượng lao động “xanh” sẽ tăng cường lợi nhuận cho doanh nghiệp. Chính phủ các nước cần nắm bắt tiềm năng tạo việc làm bằng cách cung cấp các kỹ năng cho các lĩnh vực xanh mới nổi. Các nhóm yếu thế trong thị trường lao động cần được hỗ trợ để phát triển kiến thức và kỹ năng tiềm năng cho các việc làm xanh.

Bình đẳng giới trong giáo dục nghề nghiệp

Mặc dù quyền giáo dục và đào tạo cơ bản đã được thiết lập và công nhận trong nhiều thể chế chính trị của các nước trên thế giới nhưng việc tiếp cận và hoàn thành các chương trình giáo dục nghề nghiệp đối với thanh niên và người trưởng thành vẫn còn gặp khó khăn. Phân biệt đối xử có hệ thống, sự bất bình đẳng thể hiện trong các chương trình đào tạo và cơ sở hạ tầng trường học; phân biệt đối xử trong việc định hướng nghề nghiệp là những ví dụ cụ thể về các rào cản ảnh hưởng đến việc tiếp cận và tham gia vào các chương trình GDNN. Các cơ quan và tổ chức phải đảm bảo quyền tiếp cận bình đẳng với các cơ hội giáo dục và đào tạo, không phân biệt giới tính, tuổi tác, tôn giáo hay dân tộc, trong đó cần đặc biệt lưu ý các đối tượng yếu thế trong xã hội, bao gồm người khuyết tật, người dân tộc và trẻ em.

Điều đầu tiên thể hiện bình đẳng giới là số lượng, tỷ lệ nam, nữ tham gia và hoàn thành các khóa đào tạo. Tuy nhiên, bình đẳng giới không chỉ dừng lại ở đó. Kỷ nguyên giáo dục mới quan tâm đến nhu cầu, sở thích, kinh nghiệm sống của tất cả người học; giải quyết những bất lợi ngăn cản trẻ em, thanh thiếu niên hoặc người trưởng thành thực hiện đầy đủ quyền tham gia vào giáo dục đào tạo, hoàn thành các khóa đào tạo và được hưởng những lợi ích từ giáo dục đào tạo.

Trong giáo dục nghề nghiệp, nhìn chung, tỷ lệ nữ giới tham gia thấp hơn so với các chương trình giáo dục phổ thông. Viện Thống kê UNESCO ước tính rằng 43% học sinh theo học các chương trình dạy nghề ở trung học phổ thông (ISCED 3) năm 2017 là nữ, trong khi tỷ lệ này là 49% đối với các chương trình giáo dục phổ thông (Dữ liệu UIS). Sự chênh lệch giới tính này phổ biến ở một số lĩnh vực, trong đó nữ chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong các lĩnh vực đòi hỏi kỹ năng và kiến ​​thức về khoa học, công nghệ, toán học (STEM). Theo số liệu của UNESCO 2018, nữ chỉ chiếm 35% trong tổng số sinh viên theo học ngành STEM tại các trường đại học trên toàn cầu. Tỷ lệ nữ ít như vậy gây bất lợi cho cả cá nhân và xã hội. Không chí có ý nghĩa quan trọng, là yêu cầu bắt buộc đối với các công việc truyền thống và các công việc mới nổi, các kỹ năng và kiến ​​thức STEM còn rất cần thiết cho các công việc “của tương lai” – thúc đẩy đổi mới, tăng trưởng toàn diện và phát triển bền vững. Do đó, nếu phụ nữ tham gia nhiều hơn vào các chương trình đào tạo và nghề nghiệp này sẽ góp phần thúc đẩy để họ được trao quyền nhiều hơn cũng như được hưởng nhiều hơn các phúc lợi xã hội./.

Nguồn: gdnn.gov.vn