Năm học mới 2020-2021 sẽ diễn ra trong bối cảnh diễn biến của dịch COVID-19 còn phức tạp, ngành giáo dục thực hiện chương trình phổ thông mới từ khối 1.
Tại trường Tiểu học Nậm Nhừ (Nà Khoa, Nậm Pồ, Điện Biên), ngôi trường vừa bị cơn lũ quét tàn phá sát thềm năm học mới nên việc chuẩn bị tại ngôi trường này đang đặt ra nhiều thử thách đối với các thầy cô giáo.
Cô Nguyễn Thị Thúy Hiệu trưởng nhà trường cho biết, cơn lũ dữ xảy ra đối với nhà trường, các thầy cô giáo bị ảnh hưởng, thiệt hại nặng nề, cuộc sống của các thầy cô giáo bị ảnh hưởng rất nhiều.
Nhưng nhờ vào sự kết nối của các cơ quan báo chí, các cơ quan ban ngành khác đã hỗ trợ nhà trường, thầy cô.
Bởi thế việc chuẩn bị khai giảng, chuẩn bị cơ sở vật chất dạy học của nhà trường cũng đã ổn định.
Địa bàn miền núi nên công tác vận động học sinh đến trường mang tính đặc thù.
Đến thời điểm này, các thầy cô của Trường Nậm Nhừ 1 đã được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, các lực lượng vũ trang như Bộ đội Biên phòng phối kết hợp nên cơ bản phụ huynh đồng tình, ủng hộ.
Nói về sách giáo khoa mới cho học sinh lớp 1, cô Thúy cho biết, sách giáo khoa mới cũng đã ổn định nhờ vào sự giúp đỡ của các cơ quan ban ngành.
Trước thềm năm học mới, cô Thúy mong các con đến trường được an toàn, được chăm sóc sức khỏe, được tiếp thu những kiến thức mới.
Năm học qua, thời gian nghỉ học dài, nghỉ dịch COVID -19 nên kiến thức sẽ quên, do vậy các cháu phải cố gắng, nhà trường sẽ lên kế hoạch bồi dưỡng cho học sinh.
Với ngành giáo dục huyện Nậm Pồ, công tác triển khai cũng đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Ông Nguyễn Xuân Thuận, trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nầm Pồ cũng cho biết, hiện các đơn vị tại huyện cùng chung tay chia sẻ khó khăn với Nậm Nhừ. Việc khắc phục khó khăn đã đạt được những bước đầu, sẵn sàng cho năm học mới.
Tại các trường khác, ông Thuận cũng cho biết, các trường học do phòng quản lý trên địa bàn huyện Nậm Pồ đã sẵn sàng cho năm học mới.
Tại huyện vùng cao Đồng Văn (Hà Giang), bà Mua Thị Hồng Minh, trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cho biết: “Hiện công tác chuẩn bị cho năm học mới tại huyện cũng đã sẵn sàng.
Đối với sách giáo khoa mới, các em học sinh tại huyện Đồng Văn được hưởng theo nghị định 86 nên hiện sách cũng được chuyển lên các trường, đảm bảo cho các em học sinh đủ sách để học tập.
Công tác sửa chữa, vệ sinh trường lớp cũng đã đảm bảo. Việc vận động học sinh ra lớp sẽ được thực hiện từ ngày 1/9.
Đối với công tác khai giảng, Phòng cũng đã tham mưu đối với Ủy ban nhân dân huyện, tùy đặc thù từng trường, từng địa bàn để tổ chức khai giảng đảm bảo an toàn, vui khỏe cho các em học sinh.
Đến thời điểm này, có thể nói ngành giáo dục huyện Đồng Văn cũng đã sẵn sàng cho năm học mới.
Bà Lê Thị Hương, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị cho biết, tỉnh đã có phương án chuẩn bị cho năm học mới:
Nếu dịch bệnh được kiểm soát, ngành Giáo dục và Đào tạo chủ động triển khai nhiệm vụ năm học theo kế hoạch đảm bảo quy trình khung thời gian năm học của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Trong tình hình dịch bệnh COVID – 19 còn diễn biến phức tạp thì tỉnh sẽ thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-CP của Chính phủ, ngành giáo dục thực hiện biện pháp vừa thực hiện việc tổ chức dạy học vừa phải nghiêm túc, tích cực phòng chống dịch theo yêu cầu của ngành y tế, việc thực hiện dạy học sẽ theo hình thức trực tuyến.
Đến thời điểm hiện tại, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị cũng đã quán triệt, chỉ đạo tất cả các cơ sở giáo dục tổ chức thuốc khử trùng, vệ sinh sát khuẩn khuôn viên trường lớp để đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch COVID – 19, các nhà trường bổ sung trang thiết bị y tế và triển khai thực hiện các quy trình phòng, chống dịch bệnh để đảm bảo an toàn đón học sinh trở lại trường vào dịp khai giảng.
Ngành Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị cũng đã thực hiện công tác mua sắm tối thiểu cho học sinh lớp 1, bố trí kinh phí để duy tu, bảo dưỡng cơ sở vật chất các trường học.
Ngành giáo dục Quảng Trị đang khắc phục khó khăn vì những ảnh hưởng của dịch COVID-19. Ảnh: trường Trung học phổ thông Bùi Dục Tài (Hải Lăng, Quảng Trị).
Các địa phương đã lồng ghép các nguồn vốn của chương trình nông thôn mới, ngân sách địa phương, nguồn xã hội hóa để đầu tư xây dựng, duy tu bảo dưỡng trường lớp, và mua sắm bổ sung thiết bị dạy học cho các cơ sở giáo dục.
Với điều kiện hiện nay, tới đây Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị, chỉ đạo các nhà trường tổ chức Lễ khai giảng theo tinh thần trang trọng nhưng ngắn gọn, vì học sinh thân yêu.
Nếu khai giảng tập trung phải đảm bảo giãn cách hoặc sân trường rộng thì có thể ưu tiên khai giảng tập trung cho các em học sinh đầu cấp, để các em có niềm vui ngày khai giảng đầu tiên ở ngôi trường mới. Nếu khó khăn hơn thì tổ chức khai giảng trong từng lớp học.
Nói về khó khăn trong năm học mới, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị cho rằng, vì dịch bệnh nên công tác bồi dưỡng thường xuyên, bồi dưỡng chính trị cho cán bộ, giáo viên gặp khó khăn.
Nếu phải dạy trực tuyến thì lo nhất là lớp 1 vì thực hiện chương trình cải cách nên chất lượng và hiệu quả sẽ là thách thức. Các phương tiện, thiết bị nhiều nơi chưa đảm bảo để thực hiện dạy học trực tuyến.
Năm 2020 do ảnh hưởng của dịch COVID – 19 ngành giáo dục đã hướng dẫn các cơ sở giáo dục thực hiện không thu học phí đối với những tháng nghỉ học, chỉ thu theo thời gian thực học và tối đa không quá 9 tháng/năm học nên nguồn thu các đơn vị có phần bị sụt giảm nhất là các cơ sở giáo dục ngoài công lập.
Bên cạnh đó thực hiện chủ trương tiết kiệm 10% chi thường xuyên do ảnh hưởng của dịch COVID -19 cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến ngân sách hoạt động của các cơ sở giáo dục.
Nguồn: giaoduc.net.vn