Bộ trưởng Nhạ khuyến khích trường đại học áp dụng chỉ số UPM để xếp hạng

493

Khuyến khích các cơ sở GDĐH Việt Nam nghiên cứu áp dụng và cũng khuyến nghị các trường đại học của các nước ASEAN tham khảo áp dụng các bộ chỉ số đánh giá chất lượng UPM.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã bày tỏ quan điểm trên tại Hội thảo quốc tế về “Đối sánh chất lượng giáo dục đại học” và giới thiệu hệ thống xếp hạng đối sánh do Việt Nam phát triển mang tên “University Performance Metrics” (UPM), đồng thời công bố kết quả xếp hạng đối sánh và gắn sao lần đầu tiên cho 30 cơ sở giáo dục Việt Nam và ASEAN ngày 18/8.

Hội thảo do Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) và Mạng lưới các trường đại học Đông Nam Á (ASEAN University Network – AUN) đồng tổ chức.

UPM là sản phẩm do nhóm nghiên cứu ĐHQGHN thực hiện dưới sự tài trợ của Chương trình Khoa học Giáo dục cấp quốc gia do Bộ GDĐT chủ trì.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ

Đến nay, đã có gần 40 trường đại học Việt Nam và ASEAN tự nguyện tham gia sử dụng bộ tiêu chí UPM để đối sánh chất lượng. Kết quả đối sánh chất lượng và gắn sao cho thấy một bức tranh chân thực và tích cực về chất lượng các trường đại học Việt Nam và khu vực, mang thông tin hữu ích, nhiều chiều đến các bên liên quan từ các trường đại học, đến sinh viên, nhà tuyển dụng và nhà quản lý.

Tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho rằng, mô hình và cách vận hành của các trường đại học của Việt Nam vẫn đang bộc lộ một số vấn đề trong việc đo lường đánh giá chất lượng, trong quá trình thực hiện công khai, đảm bảo minh bạch về chất lượng.

"Đây không chỉ là vấn đề của Việt Nam mà là vấn đề chung ở nhiều quốc gia, trong đó có các nước ASEAN, được các chính phủ rất quan tâm. Chính vì vậy, để nâng cao năng lực quản trị đại học cả ở cấp vĩ mô và vi mô, cần phải có bộ công cụ quản lý chất lượng phù hợp, hiệu quả, đặc biệt là để "đối sánh" các chỉ số đảm bảo chất lượng giữa các cơ sở GDĐH"- Bộ trưởng Nhạ nhấn mạnh. 

Đánh giá cao cách tiếp cận vấn đề và các kết quả nghiên cứu của nhóm nghiên cứu, Bộ trưởng Nhạ cho hay, việc xây dựng và vận hành hệ thống như bộ chỉ số University Performance Metrics (UPM) có rất nhiều ý nghĩa.

Trước hết, là một trung tâm dữ liệu và phân tích, UPM có thể hỗ trợ tư vấn cho hệ thống GDĐH quốc gia, cũng như các cơ sở GDĐH trong nước và trong khu vực.

Các cơ sở GDĐH có thể sử dụng các tiêu chí của UPM để tự đánh giá kết quả các hoạt động, đồng thời sử dụng UPM như một công cụ để quản trị chiến lược, phát triển thương hiệu, phát triển đối tác.

Người học có được những thông tin chính xác về các trường ĐH để có thể lựa chọn trường, lựa chọn lĩnh vực, ngành nghề đào tạo phù hợp với năng lực, sở trường. Người sử dụng lao động có cơ sở để xây dựng chiến lược nhân sự, kế hoạch tuyển dụng và hợp tác chuyển giao tri thức.

"Tôi khuyến khích các cơ sở GDĐH Việt Nam nghiên cứu áp dụng và cũng khuyến nghị các trường đại học của các nước ASEAN tham khảo áp dụng các bộ chỉ số đánh giá có tính hữu dụng, hiệu quả, để đánh giá/đối sánh chất lượng các cơ sở GDĐH ở các nước trong khu vực" – Bộ trưởng Nhạ bày tỏ.

Tổng Giám đốc điều hành AUN, TS. Choltis Dhirathiti

Tổng Giám đốc điều hành AUN, TS. Choltis Dhirathiti gửi lời chúc mừng tới Việt Nam và ĐHQGHN đã bước đầu vượt qua biên giới quốc gia để đóng góp cho việc phát triển hệ thống giáo dục đại học ở khu vực, thông qua hệ thống UPM.

Tiênsix cũng đánh giá cao các trường đại học tiên phong áp dụng hệ thống UPM, ủng hộ quá trình hợp tác phát triển giáo dục đại học trong khu vực.

Đề cao hướng tiếp cận mới của UPM trong lĩnh vực đối sánh chất lượng đại học, Tổng Giám đốc điều hành AUN nhấn mạnh: “Với sự tin tưởng và đánh giá cao, Ban thư ký AUN vui mừng được giới thiệu hệ thống đối sánh chất lượng trường đại học UPM tới các trường đại học trong cộng đồng ASEAN.

Chúng tôi tin rằng, hệ thống tiêu chuẩn và các chỉ báo của UPM sẽ được sử dụng như một công cụ, không những giúp các trường đại học tự đối sánh và điều chỉnh chất lượng, mà còn là một trong những cơ sở giúp AUN củng cố và mở rộng mạng lưới”.

Được biết, Hệ thống UPM tiếp cận theo xu hướng đối sánh và gắn sao, theo đó, các trường đại học có thành tích gần nhau được xếp cùng một nhóm và gắn từ 1-5 sao. Trên cơ sở lõi xếp hạng truyền thống, UPM phát triển thêm các tiêu chí đặc trưng của đại học trong kỷ nguyên 4.0.

Nguồn: dantri.com.vn